Bài Giáo Lý 14 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô:

Hội Thánh Duy Nhất

 

 

Hội Thánh Duy Nhất

 “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn biết mỗi ngày một hiệp nhất hơn, và đừng bao giờ trở thành công cụ của chia rẽ.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 25 tháng 9 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin và nói về Hội Thánh Duy Nhất.

27-09, 2013 by Phaolo

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong “Kinh Tin Kính” khi chúng ta

đọc “Tôi tin Hội Thánh duy nhất” nghĩa là chúng ta tuyên xưng rằng Hội Thánh là duy nhất, và điều đó có nghĩa là trong chính mình Hội Thánh này là sự hiệp nhất.  Nhưng nếu nhìn vào Hội Thánh Công Giáo trên hoàn vũ chúng ta khám phá ra rằng nó bao gồm gần 3.000 giáo phận trải rộng trên tất cả các châu lục, gồm nhiều ngôn ngữ và nhiều nền văn hóa!  Ở đây có các Giám Mục của nhiều nền văn hóa khác nhau, từ nhiều quốc gia.  Có Giám Mục Tích Lan, Giám mục Nam Phi, một Giám mục Ấn Độ, có

rất nhiều người ở đây…  Các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh.  Hội Thánh đang ở rải rác khắp nơi trên thế giới!  Tuy nhiên, hàng ngàn cộng đồng Công Giáo hợp thành một sự hiệp nhất.  Làm sao điều này có thể xảy ra?

1.  Một câu trả lời ngắn gọn được tìm thấy trong Sách (Toát Yếu) Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, trong đó xác nhận: Hội Thánh Công Giáo lan tràn trên toàn thế giới có một đức tin duy nhất, một đời sống bí tích duy nhất, một chuỗi kế nhiệm tông truyền duy nhất, cùng một niềm hy vọng chung và cùng một đức mến (số 161).  Đó là một định nghĩa đẹp, rõ ràng, hướng dẫn chúng ta cách tốt đẹp.  Sự hiệp nhất trong đức tin, đức cậy, đức mến, sự hiệp nhất trong các bí tích, trong các thừa tác vụ, như những trụ cột nâng đỡ và giữ vững tòa nhà to lớn duy nhất của Hội Thánh.  Dù chúng ta đi bất cứ nơi nào, ngay cả trong giáo xứ nhỏ bé nhất, trong một nơi xa xôi nhất của trái đất này, đều có một Hội Thánh duy nhất; chúng ta cảm thấy thoải mái như ở nhà, chúng ta ở trong một gia đình, chúng ta là anh chị em.  Và đây là một hồng ân cả thể của Thiên Chúa!  Hội Thánh là một cho tất cả mọi người.  Hội Thánh không phải là một Hội Thánh cho ngưởi Châu Âu, một Hội Thánhội Thánh  cho người Châu Phi, một Hội Thánh cho người Châu Mỹ, một Hội Thánh cho người Châu Á, một Hội Thánh cho những người Châu Đại Dương, không, Hội Thánh là một ở khắp mọi nơi.  Hội Thánh giống như một gia đình: người ta có thể ở xa, rải rác trên thế giới, nhưng mối liên hệ sâu đặm nối kết tất cả các phần tử trong gia đình vẫn kiên định bất kể khoảng cách.  Tôi nghĩ đến, kinh nghiệm về Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro chẳng hạn, trong đó đám đông bao la những người trẻ trên bãi biển Copacabana, người ta đã nghe thấy nhiều ngôn ngữ, nhìn thấy những khuôn mặt với những đặc điểm rất khác nhau, người ta đã gặp các nền văn hóa khác nhau, nhưng, tuy thế, có một sự hiệp nhất sâu xa, chúng ta hợp lại thành một Hội Thánh, chúng ta đã hợp nhất với nhau, và người ta cảm nhận được điều ấy.  Tất cả chúng ta hãy tự hỏi: Còn tôi, như một người Công Giáo, tôi có cảm thấy sự hiệp nhất này không?  Như một người Công giáo, tôi có sống sự hiệp nhất này của Hội Thánh không?  Hoặc tôi không quan tâm gì đến điều ấy, bởi vì tôi đang bị khép kín trong nhóm nhỏ của tôi hay trong chính mình?  Có phải tôi là thành viên của những người “tư nhân hóa” Hội Thánh cho nhóm riêng của mình, cho dân tộc riêng của mình, cho những bạn bè riêng của mình không?  Thật đáng buồn khi tìm thấy một Hội Thánh “bị tư nhân hóa” vì sự ích kỷ và thiếu đức tin này.  Thật đáng buồn!  Khi nghe nói rằng rất nhiều Kitô hữu trên thế giới đang đau khổ, tôi thờ ơ không hay tôi coi họ như những người trong gia đình của tôi đang bị đau khổ?  Khi tôi nghĩ hoặc nghe nói rằng có rất nhiều Kitô hữu bị bách hại và thậm chí hiến mạng sống của họ cho đức tin, điều này làm cho tim tôi rung động hay không ảnh hưởng gì đến tôi?  Tôi có mở lòng ra cho người anh em hay chị em này của gia đình tôi đang hiến cuộc đời mình cho Chúa Giêsu Kitô không?  Chúng ta có cầu nguyện cho nhau không?  Tôi xin hỏi anh chị em môt câu, nhưng đừng trả lời lớn tiếng, chỉ trong lòng anh chị em thôi, có bao nhiêu người đang cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại?  Bao nhiêu ngưởi?  Chắc mọi người trả lời trong lòng.  Tôi có cầu nguyện cho anh này chị kia đang gặp khó khăn trong việc tuyên xưng và bảo vệ đức tin của họ không?  Điều quan trọng là nhìn ra bên ngoài nội vi của mình, để cảm thấy rằng mình là Hội Thánh, gia đình duy nhất của Thiên Chúa!

2.  Chúng ta hãy đi xa hơn một chút và tự hỏi: sự hiệp nhất này có những vết thương không?  Chúng ta có thể làm tổn thương sự hiệp nhất này không?  Tiếc thay, chúng ta thấy rằng trong quá trình lịch sử và ngay cả bây giờ, chúng ta không luôn luôn sống trong sự hiệp nhất.  Đôi khi xuất hiện những hiểu, xung đột, căng thẳng, chia rẽ, là những điều làm tổn thương nó, và do đó Hội Thánh đã không có khuôn mặt mà chúng ta muốn, không biểu hiện tình yêu, là điều Thiên Chúa muốn.  Chính chúng ta là những người tạo ra những vết rách!  Và nếu chúng ta nhìn vào những chia rẽ vẫn còn tồn tại giữa các Kitô hữu, Công giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành…  chúng ta cảm thấy sự khó khăn trong việc làm sự hiệp nhất này được hoàn toàn hữu hình.  Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hiệp nhất, nhưng chúng ta thường thấy khó sống nó.  Chúng ta phải tìm cách xây dựng sự hiệp thông, giáo dục về hiệp thông, để vượt qua những hiểu lầm và chia rẽ, bắt đầu từ gia đình, từ các thực tại thuộc về Hội Thánh, cùng trong việc đối thoại đại kết.  Thế giới của chúng ta cần sự hiệp nhất.  Chúng ta đang ở trong một thời đại mà trong đó tất cả chúng ta cần hiệp nhất, cần hòa giải, hiệp thông và Hội Thánh là nhà của sự hiệp thông.  Thánh Phaolô nói cùng các  tín hữu Êphêsô rằng: “Vì thế, tôi, một tù nhân vì Chúa, van nài anh em hãy sống xứng đáng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã kêu mời anh em, bằng tất cả lòng khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nại; hãy chịu đựng lẫn nhau trong đức ái.  Hãy cố gắng duy trì sự hiệp nhất trong Thần Khí, bằng mối dây hòa thuận ( 4, 1-3).  Khiêm tốn, hiền lành, nhẫn nại, yêu thương để bảo vệ sự sự hiệp nhất!  Này, đó là những con đường, những con đường thật sự của Hội Thánh.  Chúng ta hãy nghe một lần nữa.  Khiêm tốn thay vì phô trương, thay vì tự hào, khiêm tốn, hiền lành, nhẫn nại và yêu thương để bảo vệ sự sự hiệp nhất!.  Và Thánh Phaolô tiếp tục: Chỉ có một thân thể, đó là thân thể của Đức Kitô mà chúng ta lãnh nhận trong Bí Tích Thánh Thể; và một Thần Khí duy nhất, là Chúa Thánh Thần Đấng không ngừng sinh động hóa và tái tạo Hội Thánh;một niềm hy vọng duy nhất, đời sống vĩnh cửu; một đức tin duy nhất, một Phép Rửa duy nhất, một Thiên Chúa duy nhất là Cha của mọi người (x. cc. 4-6).  Sự phong phú của những gì liên kết chúng ta!  Và điều này là một kho báu thật: những gì liên kết chúng ta, không phải những gì chia rẽ chúng ta.  Đây là tài sản của Hội Thánh!  Chớ gì hôm nay mỗi người tự hỏi mình: tôi có làm cho sự hiệp nhất trong gia đình, trong giáo xứ và trong cộng đồng lớn lên không, hay là tôi nói điều xấu?  Tôi có là lý do của chia rẽ, của ngột ngạt không?  Nhưng anh chị em không biết rằng việc ngồi la mách lẻo làm hại Hội Thánh, các giáo xứ, các cộng đồng biết bao!  Nó hại biết bao!  Những tin đồn làm tổn thương.  Trước khi phao đồn nhảm nhí, một Kitô hữu phải cắn lưỡi mình!  Có hay không?  Cắn lưỡi mình: điều này sẽ tốt cho chúng ta, bởi vì khi lưỡi xưng lên thì người ta không thể nói được nữa và không còn có thể mách lẻo nữa.  Tôi có khiêm tốn để hàn gắn những vết thương của sự hiệp nhất bằng lòng kiên nhẫn và hy sinh không?

3.  Sau hết, một bước cuối cùng đi sâu hơn.  Và, đây là một câu hỏi tuyệt đẹp: ai là động lực của sự hiệp nhất này của Hội Thánh?  Đó chính là Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhận được trong Bí Tích Rửa Tội và cũng trong Bí Tích Thêm Sức.  Chính Chúa Thánh Thần.  Sự hiệp nhất của chúng ta không chủ yếu là kết quả của một thỏa thuận, hoặc của sự dân chủ trong Hội Thánh, hay nỗ lực của chúng ta để có được sự đồng lòng, nhưng nó đến từ Đấng làm ra sự hiệp nhất trong sự đa dạng, bởi vì Chúa Thánh Thần là sự hòa hợp, luôn luôn tạo nên sự hòa hợp trong Hội Thánh.  Đó là một sự hiệp nhất hài hòa trong sự đa dạng rất lớn lao của các nền văn hóa, ngôn ngữ và tư tưởng.  Chính Chúa Thánh Thần là động cơ.  Chính vì thế mà cầu nguyện là điều, vì cầu nguyện là linh hồn của sự dấn thân của chúng ta, những người nam nữ của hiệp thông và hiệp nhất.  Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, bởi vì Ngài đến và làm nên sự hiệp nhất của Hội Thánh.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa:  Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn biết mỗi ngày một hiệp nhất hơn, và đừng bao giờ trở thành công cụ của chia rẽ; xin làm cho chúng con biết dấn thân, như lời trong một kinh nguyện đẹp đẽ của Phanxicô, để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem sự hiệp nhất vào nơi bầt hòa.  Chớ gì được như vậy.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ